Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

"Đột phá" chính sách tín dụng: Niềm vui cho thị trường BĐS

Những chính sách, văn bản quản lý vừa được các cơ quan chức năng Nhà nước ban hành, cộng thêm thông tin một tổ chức cộng đồng muốn chung tay "chia lửa" với vấn đề tín dụng BĐS, là dấu hiệu tích cực cho toàn thị trường lúc này.

Trung tuần tháng 5/2014, sau quá nhiều thời gian chờ đợi trong bức xúc, chán nản, giới tạo lập BĐS và khách hàng mua nhà đã "vỡ òa" trong niềm vui tín dụng hỗ trợ địa ốc.

Nợ quá hạn, cũng được vay

Đây là chỉ đạo của NHNN đối với 8 ngân hàng (BIDV, Agribank, Vietinbank, VNCB, VCB, SHB, Lienviet Post Bank và MHB) liên quan tới việc thực hiện thí điểm sản phẩm liên kết 4 nhà với mục đích tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà đất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho BĐS. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) xây dựng BĐS có nợ quá hạn có thể được 8 ngân hàng trên tạo điều kiện vay vốn để tiếp tục triển khai các dự án còn "đắp chiếu".
Sản phẩm liên kết 4 nhà hướng tới củng cố lòng tin các bên trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thành dự án: cấp tín dụng, đầu tư, thi công, cung ứng vật liệu và góp vốn. Trong đó, Agribank chuyên trách lĩnh vực giao thông, xây lắp và nhà xã hội. Sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà được thí điểm 1 năm, kể từ thời điểm ký thỏa thuận khung hợp tác triển khai.

Tài trợ sửa chữa, xây nhà trả chậm

Bất chấp những đồn đoán xoay quanh khả năng thực sự của Ngân hàng Xây dựng VN và Tập đoàn Thiên Thanh trong công cuộc hỗ trợ, "vực dậy" thị trường nhà ở, hai đơn vị này đã đưa ra ý tưởng về "Chuỗi liên kết tài trợ sửa chữa, xây nhà ở trả chậm" (Chủ đầu tư – Nhà thầu – Nhà tổ chức cung ứng sản xuất VLXD – Ngân hàng). Ngày 18/5/2014, tại Tp.HCM, 2 đơn vị trên tổ chức tổ chức hội nghị triển khai thực hiện "Chuỗi liên kết tài trợ sửa chữa, xây nhà ở trả chậm" nhằm triển khai ứng dụng, hiện thực hóa mô hình chuỗi liên kết 4 nhà.
Về lý thuyết, cơ hội giải phóng hàng tồn, đẩy mạnh thanh khoản cũng như khả năng sở hữu nhà ở của người dân, DN đã rõ rệt hơn.
Được biết, chương trình sẽ chính thức triển khai từ cuối tháng 5/2014 – dự kiến cấp tín dụng 10.000 tỷ đồng cho nhu cầu vốn cho khách hàng để xây dựng, sửa chữa… nhà để ở (hoặc để kinh doanh như cho thuê); đồng thời bổ sung vốn cho nhà thầu chính để thanh toán tiền mua VLXD, nhân công cho (các) nhà thầu phụ khi thi công nhà cho khách hàng với nguyên tắc cấp tín dụng vốn đúng đối tượng và mục đích sử dụng vốn nhằm kiểm soát chặt chẽ dòng tiền giải ngân, thu nợ, từ đó hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.

Quỹ tài chính cộng đồng chung tay

Tại buổi đối thoại chính sách với chủ đề "Quyền có chỗ ở phù hợp: Vai trò của cộng đồng đô thị trong tiến trình phát triển nhà ở" được Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat), Hiệp hội các Đô thị Việt Nam (ACVN) và Liên minh Quyền Nhà ở Châu Á (ACHR) cùng với các cơ quan Quốc hội diễn ra mới đây, một đại diện của Quỹ tài chính cộng đồng đã đưa ra đề xuất: nếu gói 30.000 tỷ đồng dành 4% cho Quỹ tài chính cộng đồng, tương đương 1.200 tỷ đồng thì dự kiến sẽ có khoảng 36.000 - 40.000 hộ dân sẽ có nhà ở trong vòng 1,5 – 2 năm, đảm bảo không thất thoát một đồng nào.
Đề xuất này xuất phát từ thực tế tỉ lệ hộ nghèo tại các đô thị vào khoảng 4%, họ đang muốn giảm xuống 2%. Đại diện Quỹ cho biết, sẽ báo cáo chính thức lên Quốc hội và các đơn vị hữu quan về kế hoạch cụ thể thực hiện.

"Cởi trói" cho BĐS hình thành

NHNN, Bộ Xây dựng, Bộ Tư Pháp, Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư liên tịch (số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT) hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Nghị định 71 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Theo đó, hướng dẫn thủ tục thủ tục thế chấp, công chứng hợp đồng thế chấp và đăng ký thế chấp của tổ chức, cá nhân để vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD) mua nhà ở trong dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (gọi tắt là dự án đầu tư xây dựng nhà ở) của doanh nghiệp kinh doanh BĐS theo quy định tại Khoản 2, Điều 61, của Nghị định 71.
Có 3 điều kiện đủ mà nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp tại TCTD. Thứ nhất: đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt; đã xây dựng xong phần móng nhà ở; đã hoàn thành thủ tục mua bán và có hợp đồng mua bán ký kết với DN kinh doanh BĐS theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc nhà ở đã được bàn giao cho người mua nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
Thứ 2, không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà ở đã được bàn giao cho người mua nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.
Thứ 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà dự án này đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Thông tư không điều chỉnh đối với việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng trên khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình để vay vốn tại các TCTD; và việc thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai để vay vốn tại các TCTD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét